Thông thường, ở Tiểu học, khi chia nhóm hoạt động thường có nhiều cách chia nhóm trong đó có chia nhóm hỗn hợp và chia nhóm theo đối tượng học sinh.
Chia nhóm hỗn hợp là hoạt động mà giáo viên vẫn thường sử dụng. Đó là trong mỗi nhóm thường có nhiều đối tượng học sinh gồm giới tính, học lực được chia đều mỗi nhóm. Mục đích của việc chia nhóm này là học sinh có thể hỗ trợ nhau và mỗi em đều phát triển ở các lĩnh vực mình có ưu thế. Tuy nhiên, trên thực tế khi chia theo nhóm kiểu này sau khi giáo viên giao việc nếu không quản lí tốt thì chỉ có 1 số em tích cực trong nhóm tham gia vào các hoạt động số còn lại và nhất là học sinh Yếu hầu như bị gạt ra ngoài.
Vậy là việc thảo luận nhóm lẽ ra là để học sinh hỗ trợ nhau thì lại thành học sinh làm hộ nhau và học sinh Yếu luôn là người ngoài cuộc và chịu thiệt. Đây là thực tế không hiếm gặp khi giáo viên tổ chức hoạt động nhóm ở Tiểu học.Từ những vướng mắc trên, trong những lần sử dụng phương pháp thảo luận nhóm, tôi thay đổi cách làm trong hoạt động nhóm hỗn hợp này theo 3 mức độ :
+ Thứ nhất là nhóm tự cử nhóm trưởng, thư kí điều hành, ghi chép kết quả thảo luận rồi tự cử thành viên của nhóm trình bày kết quả thảo luận (cách này chúng ta đang thường xuyên dùng)
+ Thứ hai là tùy vào yêu cầu kiến thức dễ hay khó giáo viên chỉ định luôn bạn nào sẽ trình bày kết quả đảm bảo nguyên tắc bạn được giáo viên chỉ định trình bày luôn phải cố gắng thì mới làm được (đặt em đó vào tình huống có vấn đề) như vậy giáo viên có thể xen kẽ cho những học sinh Yếu được báo cáo kết quả thảo luận khi vấn đề không quá khó và nằm trong ngưỡng nhận thức của học sinh Yếu đó. Việc không để nhóm tự cử người lên trình bày kết quả thảo luận mà thi thoảng (với những vấn đề vừa sức) yêu cầu học sinh Yếu trong nhóm lên trình bày. Vậy là để nhóm mình hoàn thành tốt từ việc các em khá giỏi tự hoàn thành yêu cầu cho cả nhóm thì bây giờ các em đó quay vào thảo luận và hướng dẫn bạn học sinh Yếu để bạn học sinh Yếu hiểu vấn đề cần trình bày. Như vậy cùng với sự giúp sức của nhóm vừa đưa học sinh Yếu vào tình huống có vấn đề thế là học sinh Yếu có động cơ để cố gắng nắm bắt vấn đề giáo viên yêu cầu.
+ Thứ ba là giáo viên cho nhóm nọ yêu cầu bất cứ đại diện nào của nhóm kia nêu vấn đề thảo luận. Như vậy các bạn trong nhóm sẽ không biết trước ai là người sẽ trình bày nên cả nhóm cố gắng cùng thảo luận và ai cũng muốn mình phải nắm được kiến thức, kĩ năng yêu cầu để nếu nhóm bạn yêu cầu còn có thể trình bày được. Một lẽ thông thường khi nhóm nọ yêu cầu cụ thể bạn của nhóm khác trình bày thì sẽ yêu cầu học sinh Yếu của nhóm đó với tâm lí như vậy thì nhóm mình mới “thắng” được nhóm bạn.
Chia nhóm theo đối tượng học sinh là một cách chia nhóm mới được dùng nhiều trong dạy học cá biệt hóa. Ở cách chia nhóm này giáo viên cho những em cùng trình độ cùng nhóm với nhau và lẽ đương nhiên là số học sinh Yếu trong lớp sẽ được xếp vào cùng một nhóm.
Mục đích của việc chia nhóm này là để giáo viên giao việc phù hợp với từng đối tượng trong lớp. Nhóm học sinh Yếu sẽ được giao những việc vừa sức và có khi đó là những kiến thức, kĩ năng được yêu cầu dưới chuẩn. Ví dụ khi học cộng số thập phân nhóm học sinh Yếu có thể được giao cho yêu cầu nhẹ hơn đó là chỉ cần đặt tính đúng (biết đặt tính) hoặc chỉ cần đặt tính và tính được các số thập phân mà số các chữ số ở phần thập phần bằng nhau.